Theo Tiến sĩ Sư phạm Vũ Thu Hương, một trong những sai lầm lớn nhất và phổ biến nhất của các bậc phụ huynh khi dạy con đó là chăm sóc, lo lắng và can thiệp vào cuộc sống của con quá nhiều.

Trong quá trình giảng dạy và tư vấn cho nhiều bậc phu huynh, TS Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết dù đã nhiều lần khuyên "Để mặc con đi!" song rất nhiều cha mẹ không dạy con như thế. 

Không thiếu các cha mẹ ruột mềm hơn bún, chỉ cần nhìn giọt nước mắt của con hoặc chỉ nghe tiếng nức nở là lại xóa sạch mọi chuyện, cố gắng làm hài lòng con để rồi sau đó lại máu dồn lên não vì con gây ra chuyện gì đó, thực trạng này đã được TS Vũ Thu Hương chỉ ra trong các gia đình Việt.

TS Vũ Thu Hương kể lại: "Hôm nay, một phụ huynh than thở với tôi: 'Ối, nhìn cái đầu tổ quạ của nó là máu của em đã dồn lên đến não rồi. Tại sao nó cứ không chịu chải đầu? Tại sao nó hơi tí chảy nước mắt? Tại sao em gào thét lên mà nó cứ nhơn nhơn?".

Các cha mẹ à, trẻ con cần tự do và phải quen với tự do. Việc can thiệp quá nhiệt tình vào cuộc sống của trẻ khiến cho trẻ không thích và không quen với sự tự do ấy. Đến khi bọn trẻ muốn khẳng định mình thì cả bố mẹ và con cái đều bực bội. 

Chẳng hạn, bố mẹ đã chăm sóc con, lo lắng và nghĩ hộ con bao lâu nay. Khi con đã lớn, con sẽ cảm thấy mình cần giành lại quyền tự chủ nên sẽ chiến đấu đòi tự chủ trong ăn mặc, nói năng, đi đứng… nhưng muốn giữ nguyên sự hầu hạ quá mức mà bố mẹ đã dành cho mình. 

Bố mẹ thì ức chế vì con không nghe lời nữa, con phản đối và có chính kiến riêng. Từ đó, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên căng thẳng. Đặc biệt là khi con vào tuổi teen.

Và dưới đây là lời khuyên của TS Vũ Thu Hương với các bậc phụ huynh trong cách nuôi dạy con:

Dạy con
Các cha mẹ à, trẻ con cần tự do và phải quen với tự do. Việc can thiệp quá nhiệt tình vào cuộc sống của trẻ khiến cho bọn trẻ không thích và không quen với sự tự do ấy. (Ảnh minh họa).

1. Cha mẹ phải giao cho con quyền tự chăm lo cho chính mình

Tuyệt đối không giúp đỡ con những việc lặt vặt nhỏ nhặt, không ý kiến cũng như không trách móc, mắng mỏ hay gì cả. Nếu con có va vấp, hãy cho con tự trả giá để học cách rút kinh nghiệm.

2. Cha mẹ hãy đặt ra các quy định có xử phạt rõ ràng để con tuân thủ

Nếu con vi phạm thì phạt thật nghiêm dù cho nước mắt hay bất kể động thái chạy tội nào.

3. Cha mẹ hãy cho con khoảng không gian và thời gian riêng  

Cho dù rất muốn, rất thèm chăm sóc con thì cha mẹ cũng không được xâm phạm. Hãy nhắm chặt mắt khi nhìn thấy con đầu bù tóc rối, hãy bịt tai khi con đang khóc lóc, hãy quay lưng đi khi con đang làm trò. Mọi thứ con làm đó chỉ là để gây sự chú ý của cha mẹ và bắt ép cha mẹ phải làm theo những gì chúng muốn.

4. Không can thiệp chuyện xảy ra ở trường của con

Hãy để cô giáo tự do thực hiện mọi việc. Khi bước vào tuổi teen, không chỉ có cha mẹ mệt vì sự thay đổi của con mà cô giáo cũng vô cùng khổ sở. Nếu cha mẹ can thiệp, cô giáo sẽ không có đủ quyền lực và sức mạnh để chiến đấu cùng con. Chỉ cần nói rõ với con rằng cha mẹ luôn đứng về phía cô giáo thôi thì cũng là cách tuyệt vời để giúp cô giáo dạy dỗ con rồi. Và đương nhiên, thành quả dạy dỗ chính bọn trẻ và cha mẹ sẽ hưởng đấy nhé, không phải là giáo viên đâu.

Dũng cảm, kiên định và nghĩ rộng hơn, chắc chắn các cha mẹ sẽ xử lý được những cơn mè nheo kinh dị, những lần ăn vạ, những giọt nước mắt, và cả những bữa nhịn ăn tuyệt thực phản đối. Cha mẹ hãy vững lòng vì tương lai con. Nếu không, sẽ có lúc chúng ta phải phát điên vì sự phá đám của lũ trẻ đấy nhé.

0 comments:

Post a Comment

 
Top