Đối với người Nhật, có 3 từ khóa quan trọng nhất trong việc dạy con, đó là tự lập, đạo đức và làm việc nhóm.

Từ khi còn rất nhỏ, trẻ em Nhật được dạy phải tự làm tất cả mọi việc có thể cho mình và nhờ vả người khác tức là làm phiền họ, đây là một hành vi đặc biệt không được khuyến khích, theo chia sẻ của ông Sugitomo Reiji, giáo sư đến từ đại học Hiroshima, Nhật và đồng thời là người có đến 37 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành giáo dục Nhật.
Người Nhật quan niệm rằng cha mẹ chỉ đóng vai trò quan sát đứa trẻ. Quan niệm đó được thể hiện ngay từ chữ viết tiếng Nhật của từ cha mẹ. Chữ Kanji (chữ Hán tự) của từ cha mẹ được hiểu là con cái như một cái cây đang lớn và bố mẹ sẽ đứng xa quan sát.
Nói như vậy không có nghĩa là người Nhật không đề cao sự gắn kết với con cái từ lúc còn nhỏ. Phần đông các bà mẹ trên thế giới thường chỉ đặt con ngủ sau đó đi làm các việc khác mà không ngủ cùng con, trong khi đó với các mẹ Nhật, họ thường ngủ cùng con cho đến khi con dậy mới thôi. Không giống các bà mẹ Mỹ thường tách con ra ngủ riêng khá sớm, các mẹ Nhật ngủ cùng với con đến khoảng ngoài 5 tuổi.
Các mẹ Nhật cũng rất thích học hát ru cho con bởi theo họ tiếng hát của mẹ sẽ giúp bé cảm thấy ấm áp, hạnh phúc và an toàn hơn trong những năm đầu đời.
Các bà mẹ Nhật rất chú trọng đến bữa sáng của con, đối với họ đó luôn là bữa ăn quan trọng nhất. Người mẹ Nhật cũng cố gắng làm mọi cách để giúp kích thích con ăn uống bằng cách tạo ra những hộp cơm thật ngon, bắt mắt.
Nuông chiều con

Mẹ Nhật muốn con ăn được mọi thứ, vì vậy không bao giờ họ xay nát thức ăn mà băm thô để các con tận hưởng được hương vị của thức ăn và từ đó hình thành sở thích với một số loại món ăn nhất định. Việc xay nát tất cả các loại thức ăn và trộn vào với nhau, theo kiểu mà nhiều bà mẹ Việt Nam vẫn làm, là làm hỏng khẩu vị của con và không khiến con thích ăn uống.Các bà mẹ Nhật rất quan tâm đến cân bằng dinh dưỡng cho con, họ rất hạn chế cho con ăn các đồ rán nhiều dầu mỡ mà chú trọng đến ăn nhiều cá, rau, hải sản. Ngoài ra họ cũng áp dụng nguyên tắc mỗi ngày một đứa trẻ cần luyện tập thể thao ít nhất 10 phút, chính vì vậy dù thời tiết có thế nào, trẻ em Nhật đều được bố mẹ yêu cầu phải tập thể dục trong nhà trong khoảng thời gian trên.
Tìm hiểu về phong cách ăn uống của người Việt, giáo sư người Nhật nhận xét rằng các bà mẹ Việt đang cho con ăn uống quá nhiều đồ độc hại như khoai tây chiên hay uống cocacola. Tính toán của các chuyên gia dinh dưỡng cho thấy trong một lon coca cola có đến 35 gam đường, cao hơn 10 gam đường so với lượng đường cho phép được tiêu thụ mỗi ngày.
Cũng theo ông Sugitomo Reiji, ông từng chứng kiến rất nhiều bậc cha mẹ chở con ra ngoài đi ăn sáng, mà đồ ở ngoài đường, theo ông rất không hợp vệ sinh và không đảm bảo dinh dưỡng. Ông cho rằng người Việt nên nấu bữa sáng tại nhà nhiều hơn.
Ông Reiji cũng nói đến một điều rằng theo ông, khi mà chế độ ăn uống thay đổi, người Việt tiêu thụ nhiều đồ rán hơn, ông nhận thấy dường như con gái Việt Nam giờ mặc áo dài không được đẹp như xưa bởi khi xưa họ thanh mảnh hơn.
Từng có nhiều năm sống và làm việc tại Việt Nam nhiều năm, giáo sư người Nhật cũng cho rằng các bố mẹ Việt Nam chiều chuộng con quá mức. Một phần của nguyên nhân đó là việc nhiều gia đình Việt Nam vẫn sống cùng ông bà và ông bà thường chiều cháu dẫn đến đứa trẻ rất ỉ lại dù đã lớn.
Ông rất ngạc nhiên và không hiểu lý do tại sao có rất nhiều trường hợp mà ông chứng kiến rằng đứa trẻ đã 16,17 tuổi và rất cao lớn, thậm chí hơn cả bố mẹ mà vẫn phải để bố mẹ đưa đón bằng xe máy. Trẻ em Nhật có thể tự đi học từ lúc 5,6 tuổi, dù điều kiện xã hội ở Việt Nam khác với Nhật thế nhưng 17 tuổi là tuổi quá muộn để học sinh phải tự đến trường.
Ông cũng cho rằng việc nuôi dạy trẻ con tôn trọng luật pháp ở Việt Nam rất khó và khó hơn nhiều so với Nhật bởi còn quá nhiều người không tôn trọng pháp luật. Nếu như ở Nhật, ngay từ nhỏ người Nhật đã dậy con rằng không nên làm phiền người khác và khi bạn không tôn trọng pháp luật nghĩa là bạn đang làm phiền người khác thì ở Việt Nam hình như không phải vậy.
Ở Việt Nam, nếu như ở nhà bố mẹ dạy con rằng vượt đèn đỏ là sai, phạm luật và đáng bị trừng phạt thì ngay sau đó khi cháu ra đường cháu nhìn thấy nhiều người vi phạm luật giao thông và không bị trừng phạt, lập tức cháu sẽ hoài nghi về ích lợi có được khi tôn trọng pháp luật.
Cháu sẽ vẫn nhớ lời bố mẹ rằng không nên vi phạm pháp luật nhưng trong đầu hẳn có không ít câu hỏi về việc tại sao mình phải làm đúng trong khi những người xung quanh vẫn tiếp tục làm sai.
* Những nhận xét trong bài viết chỉ mang tính chủ quan của giáo sư Sugitomo Reiji chứ không mang tính đại diện và không phải quan điểm của tòa soạn.

0 comments:

Post a Comment

 
Top