Để con biết viết, biết cộng trừ nhân chia, bạn chỉ cần bỏ ra 200 - 500 ngàn/tháng cho con đi học thêm là con thạo ngay. Nhưng với kỹ năng khác như tự giác học, tự chăm sóc bản thân... học phí sẽ tốn gấp cả chục lần!

Sau bài viết chia sẻ quan điểm dạy con "Cách tốt nhất để con ham học là đừng bắt con học nhiều?", chị Thu Hà - mẹ của hai bé Xu và Sim (hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh) đã nhận được không ít chỉ trích là người mẹ vô tâm, lười biếng... Tuy nhiên, chị cho rằng, đó là cách nuôi dạy hai con thực tế mà chị đã áp dụng. 

Tiếp nối quan điểm này, chị Thu Hà tâm sự, chị đã không hề dạy chữ, dạy toán cho con trước khi vào lớp 1. Và trong khoảng thời gian các bậc phụ huynh chạy đua dạy trước cho con trước khi con bước vào lớp 1 thì chị tập trung dạy cho con các kỹ năng khác. Cùng tìm hiểu xem người mẹ này đã trang bị cho con những gì nhé!

Tôi thấy rằng hàng triệu trẻ con đã học chữ học toán trước khi vào lớp 1, đâu phải đều đang học rất giỏi, đều có thái độ học tập tốt, đều say mê học hỏi, và ba mẹ thì đang ngồi rung đùi đắc ý đâu.

Tôi là 1 giáo viên tiểu học chính hiệu, và Xu Sim đã từng trải qua lớp 1, nên tôi thấy rằng dạy viết chữ và giải toán cho trẻ con rất đơn giản. Vì sao? Vì chữ đã có chữ mẫu, nét nào cao bao nhiêu, rộng bao nhiêu, bút đi tới đâu tới đâu thì cong, tới đâu thì hất... Có mẫu hết, cứ nhắm mắt mà đi theo, khỏi nghĩ! Rồi toán lớp 1 cũng đơn giản lắm, cứ 2 + 2 = 4, cũng khỏi nghĩ!

Một hiệu trưởng trường tiểu học nói với tôi: "Kinh phí của nhà nước thì thấp, tôi muốn dạy các em kỹ năng sống, dạy làm việc nhóm, dạy làm người... tất cả những thứ tốt đẹp đó đều cần giáo viên giỏi và nhiều chi phí. Chỉ có dạy chữ là rẻ nhất trong các loại dạy!".

Nhìn ra thị trường sẽ thấy ngay, để cho con bạn biết viết và thậm chí viết đẹp, biết cộng trừ nhân chia, bạn chỉ cần bỏ ra 200 tới 500 ngàn/tháng cho con đi học thêm vài tháng là con thạo ngay.

Nhưng với kỹ năng khác, như tự giác học, tự chăm sóc bản thân, hay rèn tính tự tin, hay chơi tử tế với bạn... chẳng hạn, học phí sẽ tốn gấp cả chục lần! Chưa kể còn rủi ro là nếu ba mẹ không tạo môi trường để con rèn luyện thì chỉ một thời gian ngắn sau con lại bị về “mo” trở lại.

Tôi thấy rất nhiều cha mẹ kè kè ngồi bên cạnh con hàng đêm từ khi bé mới 4, 5 tuổi để rèn từng nét bút, nhẩm từng con số. Rồi mẹ la con khóc, ông bà quát, cả nhà như có chiến tranh. Những thứ đó cô giáo lớp 1 chắc chắn sẽ dạy chính xác hơn bạn.

Việc này cũng tương tự như bạn dồn hết tiền của và công sức vào mua thật nhiều gạch, rồi ngồi chờ đợi có một tòa lâu đài. Giả sử việc ép bé học sớm có hiệu quả, bé viết đẹp, làm toán nhanh (tương tự như số lượng gạch bạn mua được rất nhiều), nhưng một tòa nhà còn cần xi măng, cát sỏi, sắt thép, đá, gỗ... còn cần kiến trúc sư... Chưa kể, sau khi bạn dồn hết tiền mua gạch thì mới biết quy hoạch khu đó chỉ cho phép dựng nhà gỗ! Ác cái là mỗi cô mỗi khẩu vị, mỗi ý khác nhau, nên nhiều cô giáo lớp 1 đã than phiền rằng thà dạy một bé chưa biết gì hết, còn hơn dạy một bé biết viết rồi, nhưng đã trót quen cách cầm bút, cách trình bày, cách viết không đúng ý cô.


Về tâm lý lứa tuổi, đi học là một cuộc cách mạng, là bước ngoặt lớn trong đời bé, đòi hỏi ba mẹ có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và toàn diện.

Ví dụ, nhà nào giờ cũng hiếm con, tới lớp sẽ toàn các "vua" và "nữ hoàng" chơi với nhau. Bạn bè đâu có yêu thương vô điều kiện như ba mẹ ở nhà. Nhiều bé viết đẹp, đọc thạo, mà ra chơi toàn đứng một mình vì "Không có ai chơi với con", "Đi học con toàn bị ăn hiếp", "Đi học không có vui gì hết"!

Nhiều bé biết viết, biết đọc, mà không biết kết nối với xung quanh, không biết cách bộc lộ cảm xúc, không biết tương tác, không biết cách sống cùng người khác... thì cũng buồn!

Mục đích của việc học là gì? Là con bạn biết đọc và biết viết, hay là con ham học tập tìm tòi và sáng tạo?

Xong lớp 1 hầu như bé nào cũng biết đọc biết viết. Nhưng có bao nhiêu nhà bố mẹ phải mỗi đêm kè kè bên bàn, la mắng, dùng roi, dùng hình phạt, hoặc dùng các phần thưởng để nhử con học? Sểnh mắt 1 cái là con viết nhầm, tính sai, quên làm bài tập? Bao nhiêu bé thực sự tự giác học, ham học, biết học tập là việc của chính mình, chứ không phải là học cho cha mẹ?
Cơ chế giáo dục phổ thông của nước mình đặc biệt so với nhiều nước tiên tiến khác, là giáo viên không được tự ý điều chỉnh lịch giảng dạy! Tức là tuần đầu tiên vào lớp 1, mặc kệ những bạn đã đọc thông viết thạo, hay bạn chưa biết 1 nét nào, thì lớp 1 của cả nước đều bắt đầu học một bài giống nhau, với thời lượng tương đương nhau.

Bạn lớn bằng này rồi, bạn đã biết cư xử cho đẹp lòng sếp rồi, mà giờ bắt bạn ngồi họp ngày 8 tiếng, sếp cứ ra rả nói những điều bạn đã biết, bạn còn muốn nổi điên? Huống chi các cô cậu 6 tuổi, quá trình hưng phấn mạnh gấp nhiều lần quá trình ức chế, ở nhà đã đọc ro ro, tính nhoay nhoáy, giờ cứ ngồi đợi cô dạy nét cong nét hất, ngồi vẽ chữ to đùng 4 ly đúng như giáo án cuả Bộ giáo dục đề ra... Những bạn đã học trước rồi vào lớp thường rất nghịch phá, bướng bỉnh. Và hệ quả lại thường bị cô giáo la mắng phạt.

Vậy là, ngay những bước chân đầu tiên tới trường, bắt đầu một hành trình dài và quan trọng suốt đời là học hành, thì toàn thấy bị "hành", chả thấy "học" được cái gì mới mẻ, thú vị và hấp dẫn!

Cả hai con tôi là Xu và Sim hoàn toàn không học trước chữ nào, không học trước ngày nào!

Nói thế không có nghĩa là tôi bỏ mặc con chơi với ti vi suốt 6 năm trời rồi tới ngày 5-9 quẳng tọt vào lớp cho cô giáo. Tôi dạy con tự chăm sóc bản thân, tự chải đầu, cột tóc, tự rửa mặt, biết đi vệ sinh. Tôi tập cho con cách thưa gửi, trình bày với cô giáo sao cho hiệu quả. Tôi tập cho con biết chơi đẹp với bạn, dạy con biết mình mạnh gì và yếu gì. Tôi tập cho con ham học, tự giác học... Hàng trăm thứ cần dạy, đâu phải chỉ có luyện chữ, làm toán trong sách giáo khoa mới là dạy? Toàn những thứ khó khăn và chẳng có giáo trình cụ thể nào. Dạy tốt mấy thứ đó cho con là tôi đã thấy tướt bơ, chấp nhận không còn thời gian dạy chữ nữa, chấp nhận là người mẹ lười biếng và vô tâm...

Như trong cuộc chạy Marathon, tăng tốc và vượt trội sớm, đâu có để làm gì? Sau này đâu có ai ghi vào CV xin việc là tôi biết làm toán và biết đọc từ năm 4 tuổi đâu? Vả lại chỉ có 24h mỗi ngày, nên muốn hiệu quả thì chia việc ra, tôi chỉ giành thời gian để dạy cho con những thứ mà giáo viên và nhà trường không dạy, ví dụ như đạo đức và tính cách. 

Vài nét về tác giả
Chị Thu Hà là một nhà báo hiện đang sống và làm việc ở TP HCM. Chị là mẹ của hai cô con gái vô cùng đáng yêu và cá tính. Tự nhận mình là một người mẹ không hoàn hảo và mắc nhiều sai lầm khi nuôi dạy con, nhưng chị coi đó là những bài học lớn của mình để thay đổi và trở thành một người bạn đồng hành thực sự cùng con lớn lên.

0 comments:

Post a Comment

 
Top